Chat Ngay

Sự Tích Đình Phú Cốc - An Phú - Mỹ Đức - Hà Nội

shape image

Sự Tích Đình Phú Cốc - An Phú - Mỹ Đức - Hà Nội

 


Qua khảo sát thực địa tại di tích và lời kể của các cụ cao niên trong làng cùng các đạo sắc phong hiện còn thì đình Phú Cốc là nơi phụng thờ Nhị vị Tôn thần là Từ Quang và Từ Minh thánh mẫu. 

Theo truyền thuyết, sự tích về thần được truyền kể như sau:

Người con gái họ Hà tại làng Cốc và người con gái họ Cao tại làng Đồng Văn. Hai người lấy ông tổ họ Đào ở thôn Nông Khê, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức.

Vào một ngày mùa hè tháng 8, mưa lũ rừng ngang qua cánh đồng ruộng mênh mông nước, từ cánh đồng thôn nọ sang thôn kia, người dân đi lại phải dùng đò. 



Hai bà đi từ thôn Nông Khê về quê ngoại bằng chiếc thuyền nan đến cánh đồng Phú Cốc tiếp giáp với làng Đồng Văn thì bị một cơn cuồng phong làm cho đò của hai Bà bị đắm ở khu đầm lầy, giáp Đồi Chùa. 

Hai Bà bị chết đuối, hóa vào giờ linh. Nhân dân Phú Cốc lập miếu để thờ phụng hai Bà. Nơi hai Bà hóa, nhân dân gọi là Đầm Hai Cô, phong xưng hai Bà là Thánh Mẫu công chúa, một bà là “Từ Quang Thánh Mẫu”, một bà là “ Từ Minh Thánh Mẫu”.

Để ghi nhớ công ơn của hai Bà đã thường âm phù bảo trợ đời sống tinh thần cho nhân dân Phú Cốc, vua Khải Định đã ban tặng sắc phong để nhân dân theo điển lễ mà thờ phụng muôn đời:

Sắc số 1:

Phiên âm: Sắc chỉ Hà Đông tỉnh, Đồng Văn thôn phụng sự Từ Quang Thánh Mẫu tôn thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim chính trực trẫm tử tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật chứ phong vi Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.


Tạm dịch: Sắc này ban cho xã (thôn ngày xưa) là xã Đồng Văn, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, từ xưa đến nay thờ phụng ngài Thánh Mẫu tên hiệu là Từ Quang là vị thần giúp nước, giúp dân rất linh ứng. Nay Trẫm mừng thọ tứ tuần,nhớ tới công lao của các vị thần nên ban bảo chiếu đàm ân, tặng thêm phẩm trật,gia tặng phong thần là Trinh Uyển dực bảo Trung Hưng. Lại cho phép thờ phụng như xưa để mong thần bảo vệ cho dân ta. Khâm tai!

Sắc số 2:

Phiên âm: Sắc chỉ Hà Đông tỉnh, Đồng Văn thôn phụng sự Từ Minh Thánh Mẫu tôn thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim chính trực trẫm tứ  tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật chứ phong vi Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tại.


Tạm dịch: Sắc này ban cho xã Đồng Văn, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, từ xưa tới nay thờ phụng ngài Thánh Mẫu tên hiệu là Từ Minh là vị thần giúp nước, giúp dân rất linh ứng.

Nay Trẫm mừng thọ tứ tuần (40 tuổi) nhớ tới công lao của các vị thần thánh, nên bạn bảo chiếu đàm ân, tặng thêm phẩm trật, gia tặng phong thần là Trịnh Uyển dực bảo Trung Hưng. Lại cho phép thờ phụng để mong thần bảo vệ cho dân ta. Khâm tại!

* Sự kiện cách mạng kháng chiến:

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Phú Cốc từng là nơi làm trường học cho nhiều thế hệ người dân nơi đây. Trong xã có rất nhiều liệt sĩ và thương bệnh binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công trong các cuộc kháng chiến và một số huân huy chương khác.

Để tưởng nhớ tới công lao, ân đức của thành hoàng làng, Lễ hội truyền thống được tổ chức theo qui ước của cứ 4 năm một lần vào các ngày mùng 6 - 7 - 8 tháng Giêng âm lịch (khai hội xuống đồng); ngày 12 tháng 8 âm lịch (giỗ cha), dân làng xã An Phú tổ chức lễ hội truyền thống, do tiểu ban tổ chức lễ hội làm chủ trì.

* Về thời gian tổ chức lễ hội:

Công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng do trưởng ban khánh tiết làm chủ trì.

* Về công việc chuẩn bị cho lễ hội:

Ban tổ chức phân công các thành viên đảm nhiệm công việc cụ thể theo ban lễ tân gồm: Ban dâng hương, ban hậu cần, ban tế lễ, ban khánh tiết xâydựng.

Các dòng họ tham gia tổ chức lễ hội theo thứ tự anh cả, anh hai, anh ba,anh tư... 

Dòng họ Đinh - anh cả; dòng họ Quách - anh hai; dòng họ Hà - anh Ba;dòng họ Bạch - anh Tư. 

Công việc của anh Cả chủ trì phần lễ, anh Hai chủ trì phần mua sắm đồ lễ và bày biện đồ lễ, anh Ba chủ trì việc trang trí, anh Tư chủ trì việc đón tiếp khách. Thủ từ phụ trách sắp xếp nghi thức bày biện trong hậu cung. Ban tổ chức sắp xếp tiến lễ tại đại bái.

* Các nghi lễ cúng tế

Lễ mộc dục được tổ chức lúc 8h30 ngày 27/12 âm lịch do thủ từ và các cụ trong ban khánh tiết đảm nhiệm và làm lễ trước khi tắm rửa, lau chùi, đồ thờ tự các loại. 

Nước để làm lễ được lấy từ nguồn nước sạch của làng đun sôi và pha với nước ngũ vị hương và rượu trắng được chuẩn bị chu đáo, nước sạch sẽ, không uế tạp, không có nghi thức rước nước.

Khăn dùng trong lễ mộc dục là khăn mặt màu đỏ do cụ từ chuẩn bị. Sau lễ số nước và khăn thừa dùng để lau bàn trong dịp lễ hội.

* Về lễ vật dâng cúng:

- Lễ vật dâng cúng thường phải chuẩn bị lễ chay và lễ mặn. Lễ chay gồm hoa quả và tiền vàng. Lễ mặn gồm xôi, gà, thủ lợn. Gạo dùng đồ xôi phải là gạo nếp màu trắng. Lợn lễ cũng phải phân công cho các gia đình trong làng nuôi,phải chăm sóc tốt, nuôi dân dã, không dùng thức ăn công nghiệp. Gà phải chọn gà mào cờ, khỏe, nuôi bằng thóc, không công nghiệp từ 2kg trở lên.

* Văn tế:

Văn tế được lưu truyền từ xưa không rõ ai viết, theo các cụ kể lại nội dung văn tế được viết là cầu mua thuận gió hòa, mùa màng tốt tuổi, sức khỏe bình an, con cháu trong làng học giỏi, vật nuôi khỏe mạnh. Văn tế được đặt tại hậu cung, cụ từ là trưởng ban tế chuyển vào, đi từ gian phải sang bên trái, từ trong hậu cung xong ra ngoài. Hóa văn do cụ phó ban tế thực hiện.

* Ban tế:

Ban tế gồm 12 thành viên chọn người không có tang, gia đình gurong mẫu xong toàn, bản thân khỏe mạnh là người có tâm, đức độ tuổi từ 60 trở lên. Các thành viên theo sự sắp xếp phân vai dâng, đăng, kiệu, thủy, nhang, chầu cau...ban tế nam mặc theo trang phục nghi thức tế lễ truyền thống của dân tộc màu xanh. Chủ tế mặc áo, mũ, hài mầu đỏ. Trong thời gian quy định của buổi tế gồm:

Tế yết, tế trình, tế phú quí, có năm rước còn có tế an vị.

Tế yết sáng ngày mùng 6, tế trình sang ngày mùng 7, tế phú quí sáng ngày mùng 8. Trong lúc tế có nhạc bát âm, có chiêng, trống, múa sinh tiền của lễ dâng hương nữ.

Phần sau lễ là phần hội được diễn ra tại sân đình, các gia đình, thanh thiếu niên các độ tuổi, người cao tuổi đều tham gia gồm có các trò chơi dân gian truyền thống như cồng chiêng, ném còn, đánh mảng, đánh đu có giải thưởng...

2. Các ngày lễ khác và những hoạt động văn hóa trong di tích:

Ngoài ngày lễ hội đình Phú Cốc còn có các ngày kỷ niệm khác và tuần tiết như sau:

Rằm tháng Giêng, tết Đoan ngọ 5/5, Cơm mới 10/10, mồng 01 và rằm

hàng tháng, lễ vật dâng cúng gồm xôi và oản quả.

Để chuẩn bị cho tết Nguyên đán người dân nơi đây còn chuẩn bị vào các ngày 23 tháng Chạp, 30 lễ tất niên, lễ giao thừa đều ngày 12 tháng 8 (giỗ mẹ) và 27 tháng Chạp phân công cụ từ và ban khánh lễ túc trực để đón tiếp nhân dân đến lễ.

Ngoài ra tại di tích còn diễn ra lễ mừng thọ, lên lão, đỗ đạt, khuyến học.


Đăng nhận xét

© Copyright 2025 by Đoàn Xã An Phú - Code By Thế Dân

Liên Hệ

Để lại lời nhắn chúng tôi sẽ trả lời

Gửi